PHÁT TRIỂN
Sau khi bị Mỹ – ngụy san phẳng thành bình địa vào năm 1972, đến năm 1975 người dân Thu Xà mới trở về đất cũ xây dựng lại xóm làng, nhưng những gì mà Thu Xà đã có đều được người dân trong làng ghi nhớ rất rõ, và hình ảnh về phố Thu Xà xưa cũng như truyền thống văn hóa – lịch sử của Thu Xà trở thành niềm tự hào trong mỗi người dân. Những vị cao niên trong làng đều nhớ và kể lại rất rõ lịch sử hình thành, truyền thống làng Thu Xà xưa cũng như nay, với niềm say mê và tự hào. Theo lời kể, đến thời Pháp thuộc thì bộ mặt Thu Xà đã có những thay đổi. Xác định Thu Xà là một vị trí phát triển kinh tế – xã hội quan trọng, thực dân Pháp đã xây dựng ở đây một số thiết chế cai trị như: nhà bang tá, đồn lính, nhà bưu điện, bệnh viện, trường học,… biến Thu Xà trở thành một trung tâm phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ngãi. Trường Tiểu học Thu Xà được xây dựng từ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã góp phần đào tạo nên nhiều trí thức vốn là người gốc gác ở trong làng như nhà thơ Bích Khê, Giáo sư Lê Hoài Nam, tiến sĩ Nguyễn Văn Tại; các tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam như Trần Tiến Cung, Phan Ðường,… Và họ đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống cách mạng quê hương xã Nghĩa Hòa anh hùng.
Khôi phục phố cổ…
Những gì còn lại ở “phố cổ Thu Xà” chỉ là dấu tích của một thời hưng thịnh. Hiện nay, TP Quảng Ngãi đang mở rộng về phía biển thì phố cổ sẽ được khôi phục vẹn nguyên các giá trị để giữ lại nét văn hóa một thời, thu hút khách thập phương trong và ngoài nước. Phố cổ Thu Xà sẽ được quy hoạch tổng thể, phân tích từng hạng mục, nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí lưu giữ những nét đẹp cổ xưa thời bấy giờ.
GIÁ TRỊ VĂN HOÁ
Ðến Thu Xà hôm nay, du khách thường đến thăm chùa Ông (Quan Thánh tự). Ðây là ngôi chùa còn giữ khá nguyên vẹn nét kiến trúc xưa, như là sự pha trộn kiểu kiến trúc của người Hoa và người Việt. Chùa được xây dựng vào năm 1821 do “tứ bang Minh Hương” (gồm Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Quảng Ðông) cùng tạo lập. Chùa có lối kiến trúc hình chữ tam, gồm ba tòa nhà liên kết nhau: tiền đường, chính điện và hậu cung. Trong chùa Ông thờ rất nhiều tượng Quan Công, Chu Thượng, Quan Bình, Phật Bà Quan Âm, cụm tượng Thiên Hậu và Kim Ðẩu. Nét nổi bật của chùa Ông là nghệ thuật chạm khắc gỗ và trang trí hết sức tinh xảo, sinh động. Ðó là kỹ thuật đắp nổi, chạm nổi, chạm thủng ở các bình phong, khám thờ, trụ chống, vì kèo. Ðề tài trang trí nội thất chùa Ông khá phong phú và đa dạng, đó là các mô-típ dây leo thực vật, tứ linh, bát bảo, lưỡng long tranh châu, cành mai, hoa cúc. Nét độc đáo nhất là bốn vì kèo chồng rường giả thủ của nhà tiền đường chạm nổi đầu rồng với những đám mây lửa và hoa cúc được chạm khắc sắc sảo dưới các bề mặt… Dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng ở Thu Xà vẫn giữ được một số dấu tích văn hóa khá độc đáo.
Ngoài chùa Ông đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia – tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Hoa – Việt tồn tại ở Quảng Ngãi, thì rải rác khắp phố Thu Xà còn khá nhiều di tích tôn giáo tín ngưỡng được phân bố đan xen. Nếu như tín ngưỡng của người Hoa tại Thu Xà là các chùa chiền thờ Quan Thánh, Thiên hậu… được thờ tự tại chùa Ông, chùa Quảng Ðông và các chùa Hải Nam, chùa Quảng Châu (hai ngôi chùa này đã dời về TP Quảng Ngãi), thì tín ngưỡng của người Việt ở đây lại thờ cá Ông (lăng thờ cá Ông đã bị phá hủy nay chỉ còn lại di tích nền cũ, mà nhân dân gọi vùng này là gò Lăng), thờ Thiên Yana và một số di tích đình làng của người Việt. Chính điều này làm cho Thu Xà mang một sắc thái văn hóa riêng, độc đáo biểu hiện khá sinh động sự tiếp nhận và giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt – Hoa. Biểu hiện rõ nét nhất là qua lối kiến trúc và sinh hoạt tín ngưỡng tại các chùa chiền và sinh hoạt kinh tế làng nghề truyền thống của Thu Xà.
Ngoài ra, những ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Thu Xà như: làm kẹo gương, dệt chiếu, làm vàng mã, làm thuốc bắc,…được chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện phát triển, đã góp phần bảo đảm đời sống của người dân trong thôn Thu Xà. Ðặc biệt, lễ hội chùa Ông – Thu Xà được phục dựng lại đã góp phần tô đậm nét văn hóa truyền thống của làng Thu Xà.
GIÁ TRỊ TÂM LINH
Chùa Ông Thu Xà là một trong “ngũ đại danh tự” của tỉnh Quảng Ngãi được công nhận là Di tích quốc gia năm 1993.
Phong tục đi “hái lộc đầu năm, xin xăm ngày tết” đã ăn sâu vào trong sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương từ rất lâu đời. Nó đã trở thành một nếp sinh hoạt của đời sống tinh thần với đủ màu sắc phong phú. Bởi thế cứ mỗi dịp tết đến xuân về, hay những ngày lễ hội và kể cả những ngày thường như hôm nay, khi có lòng thành kính mong ước điều gì hay muốn biết vận mệnh tương lai của mình ra sao người dân lại về chùa Ông khấn vái, xin xăm, xin keo. Một chiếc chiếu lớn được trải dưới chân tượng Ông Quan Thánh là nơi đặt những ống xăm và các lá keo. Người dân quỳ lạy lắc xăm và xin keo ở đây. Việc khấn vái, xin xăm, keo như trên là đời sống tâm linh là nơi giúp người ta tĩnh tâm, gửi gắm ước nguyện để củng cố niềm tin, củng cố tinh thần. Màu nhiệm của tín ngưỡng có thể khó chứng minh nhưng sự nỗ lực của bản thân mỗi người, của cộng đồng của cả dân tộc với tinh thần lạc quan tin tưởng vào tương lai sẽ là nội lực để giúp người dân vượt sóng gió và vươn lên trong cuộc sống
Theo nhiều người dân Quảng Ngãi cho biết Chùa Ông Thu Xà là nơi trái cây được đem về cúng nhiều nhất so với các ngôi chùa khác ở Quảng Ngãi. Có lẽ vì thế ngay từ đầu ngõ vào chùa Ông, các dịch vụ bán nhang, hoa quả mọc lên rất nhiều đặc biệt vào các ngày tết hay ngày lễ hội. Các dịch vụ giải mã xăm cho khách tới chùa xin xăm trải dài khắp ngõ. Các nhà dân xung quanh chùa cũng nhộn nhịp giúp hàng ngàn lượt khách đến đây an tâm vì có chỗ gửi xe máy, ô tô. Tất cả đều góp phần tạo nên một bức tranh sinh động thể hiện sự hoà quyện của đời sống tâm linh vào cuộc sống thực tế của người dân Thu Xà. Có thể thấy di tích Chùa Ông đã góp phần đưa một lượng du khách lớn về với Thu Xà, vừa phát huy được giá trị của di tích này vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thiết nghĩ Chùa Ông Thu Xà cần được quan tâm và bảo tồn hơn nữa vì đó cũng chính là bảo vệ đời sống tâm linh của người dân địa phương và góp phần kết nối với khu du lịch sinh thái Bãi Dừa cùng làng don nổi tiếng Nghĩa Hoà tạo nên một điểm đến đầy hấp dẫn trong tuyến tour du lịch Quảng Ngãi.
TÔ DON THU XÀ
Món Don đặc sản chỉ gồm một tô nước có màu đùng đục, trong có chứa nhiều con don nhỏ xíu, ít hành tây, vài miếng bánh tráng sống bẻ nhỏ và thêm một cái bánh tráng gạo nướng để riêng bên ngoài. Đơn giản vậy nhưng món ăn đã đi sâu vào tâm trí của mỗi người con xứ Quảng khi xa quê hương.
Sau khi cào don về, người ta ngâm, rửa sạch sẽ rồi cho don vào nồi nước sôi, khuấy mạnh và đều tay. Khi don há miệng cũng là lúc phần nước luộc có được tất cả những gì tinh túy nhất. Nước luộc don được cho riêng ra nồi khác, nêm nếm vừa ăn tùy theo khẩu vị của mỗi người.
Riêng con don đãi lấy ruột. Sau đó bẻ bánh tráng sống cho vào bát, đổ nước don và cho con don vào, rắc thêm hành tây, hành lá, ớt xiêm và rải rác vài hột tiêu xay nhuyễn. Món ăn này mà có thêm sự kết hợp của tép tỏi Lý Sơn và mùi cay thơm của ớt hiểm thì sẽ vô cùng hoàn hảo.
Đợi đến khi bánh tráng ngậm nước, hơi mềm, thực khách hãy thong thả thưởng thức vị thơm, ngọt của nước dùng, bánh tráng, vị cay của ớt, tiêu… Tất cả hòa quyện tạo nên sức hấp dẫn lạ kì, khiến người ăn cảm nhận trọn vẹn vị ngon đến bồi hồi.
Để thay đổi khẩu vị, bạn có thể làm món Don xào hoặc cháo Don đơn giản mà cực kỳ ngon. Ở những nơi khác đôi khi cũng có món Don. Nhưng khi ăn thử, người tinh ý vẫn nhận ra Don có vị tanh cho dù đã ướp rất nhiều gia vị. Nếu có dịp ghé Quảng Ngãi, bạn có thể thưởng thức món Don này tại Cocoland River Beach Resort & Spa – Là nơi con Don được đánh bắt và chế biến trực tiếp từ sông Vực Hồng.
Có thể nói món Don như đặc tính của người đất Quảng, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ của con Don trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Quảng Ngãi. Mộc mạc, dân dã song canh Don gần như chứa đựng tất cả con người, tình cảm và văn hóa của vùng đất nơi đây.